Thuở
Phật tại thế, có một vị Tỳ kheo số phận xui xẻo mặc dầu thầy tu hành rất tinh
tấn, giới hạnh trang nghiêm mà không bao giờ được no đủ. Số “con rệp” ấy đeo
đuổi thầy mãi cho tới khi mãn phần, sau khi đã đắc quả A La Hán. Ðến ngày lâm
chung, nhờ thần lực của Tôn giả Xá Lợi Phất, vị Tôn sư của thầy, thầy mới ăn
được một bữa no lòng trước khi lìa đời.
Thầy xui xẻo từ khi còn trong bụng mẹ. Chẳng
những riêng thầy xui xẻo, mà thầy còn mang sự bất hạnh đến cho tập thể trong đó
có hiện diện của mình. Thầy là con của một gia đình đánh cá ở một làng ven biển
có 1000 hộ khẩu. Từ khi nhập thai mẹ, cả làng đi biển không đánh được một con
cá nào suốt cả tháng, mọi người phải ăn rong biển cho đỡ đói lòng. Họ bắt đầu
nghi ngờ có một gia đình hắc ám trong làng đã đem đến tai họa cho tất cả. Do đó
họ cố tìm cho kỳ được cái gia đình xui xẻo ấy để loại ra khỏi tập thể. Phương
pháp họ làm là họ chia hai số hộ khẩu trong làng thành hai nhóm, mỗi nhóm 500
gia đình để làm ăn riêng, sinh hoạt riêng. Kết quả là một nhóm bắt đầu khá giả
trở lại, một tiếp tục xui xẻo. Nhóm này lại chia hai để biết cái gia đình xui
xẻo ấy nằm ở đâu. Khi chia thành hai nhóm nhỏ thì cũng như trước, 250 gia đình
bắt đầu khá giả, còn 250 gia đình vẫn còn xui. Lại chia hai lần lượt như vậy để
biết gia đình xui xẻo nằm ở đâu, thì cuối cùng họ khám phá ra gia đình của vị
Tỳ kheo nọ. Cả gia đình thầy bị loại ra khỏi làng, đi lang thang như những
người du mục. Bà mẹ khám phá ra từ ngày mang thai thầy, tai họa mới đến cho cả
một làng và cho gia đình, nên muốn thầy chết đi. Tuy nhiên, một người chỉ còn
một đời cuối cùng này là giải thoát (chứng quả A La Hán, không còn trở lại cõi
đời) thì không ai có thể giết chết được trừ khi chính nghiệp lực của người ấy.
Do vậy, cuối cùng mẹ thầy cũng sinh ra thầy và nuôi cho đến biết đi ăn xin.
Trong thời gian bà nuôi đứa con mang sự xui xẻo ấy, bà rất vất vả và khốn đốn
trong việc kiếm ăn. Cho đến một ngày không chịu đựng được nữa, sau khi đẩy thầy
vào xin ăn tại một nhà nọ, bà mẹ tẩu thoát.
Ðứa trẻ - vị A La Hán tương lai nọ ngơ ngác
khi bước ra không trông thấy mẹ, cũng không có cái gì ăn, bèn đi lang thang đầu
đường xó chợ lượm những mẩu bánh người ta vứt bên đường để ăn cho đỡ đói. Trong
“cuộc lử” đó đứa trẻ tình cờ gặp Tôn giả Xá Lợi Phất. Ðộng lòng thương, Ngài
hỏi:
- Con cái nhà ai? Sao gầy sọp thế?
- Bạch Tôn giả, con là một đứa con
mang lại sự xui xẻo cho mọi người, nên không ai chịu nuôi con, con phải ốm đói.
- Con có muốn xuất gia trở thành
một tu sĩ không?
- Bạch Tôn giả con muốn lắm chứ, nhưng ai
chịu chứa chấp con?
- Lại đây, ta sẽ độ cho con.
Ðứa trẻ vui mừng đi theo Tôn giả. Tôn giả Xá
Lợi Phất dắt về vườn Cấp Cô Ðộc, tắm rửa sạch sẽ, cho ăn cơm và thế phát quy y
cho cậu bé làm Sa môn đuổi quạ[1] Lớn lên đến tuổi thành niên, Tôn giả
cho thầy thọ giới cụ túc thành một vị Tỳ kheo.
Số phần xui xẻo vẫn theo mãi vị Tỳ kheo suốt
cả đời. Mỗi khi đi khất thực, người ta vừa để vào bát thầy một muỗng cơm thì
thấy bát đã đầy tràn, làm cho không ai có thể bỏ gì thêm vào nữa. Khi thầy về
đến chùa, thì trong bát chỉ có độc một muỗng cơm để cầm hơi cho thầy khỏi chết
đói. Cứ như vậy cho đến ngày mạng chung đã chứng quả A La Hán, thầy cũng chưa
bao giờ được một bữa no lòng.
Biết thầy sắp mãn phần ở dương gian, Tôn giả
Xá Lợi Phất động lòng thương xót nghĩ: “Losaka” (tên của thầy Tỳ kheo xui xẻo)
hôm nay sẽ mạng chung. Ta sẽ làm đủ mọi cách giúp cho vị ấy ăn một bữa cho no
trước khi chết.
Với ý định ấy, Tôn giả dẫn vị Tỳ kheo đi vào
làng khất thực. Nhưng vì có Losaka, Tôn giả không xin được món gì, Ngài đành
phải bảo vị ấy trở về, và đi một mình để xin ăn. Sau khi khất thực đầy bát, Tôn
giả đem về cho vị Tỳ kheo Ngài đứng ôm bát trước mặt đệ tử bảo:
- Con hãy ăn đi.
Vị Tỳ kheo ngần ngại không dám ăn trước
mặt Tôn sư, và nhất là để Ngài cầm bát, mặc dù thầy rất đói. Tôn giả giục:
- Con đừng ngại, ta phải đứng cầm
bát để chờ con dùng bữa cho xong mới được. Vì nếu không có ta ôm bát, tất cả
thức ăn này biến mất, và con sẽ tiếp tục đói.
Vị Tỳ kheo vâng lời thọ thực. Nhờ thần lực
của Tôn giả Xá Lợi Phất vị ấy ăn được một bữa no lòng trước khi xả báo thân
chót của một vị A La Hán.
Sau khi thầy Tỳ kheo xui xẻo quá vãng, các Tỳ
kheo khác nhóm họp tại diệu pháp đường trong vườn Cấp Cô Ðộc hỏi Ðức Thế Tôn
nguyên nhân vì sao một đời giới hạnh thanh tịnh, tu hành tinh tấn, vị Tỳ kheo
bạc phước kia vẫn phải gánh chịu sự rủi ro suốt đời như vậy. Phật dạy:
- Này các Tỳ kheo, những hành động của
chính vị ấy trong tiền kiếp là nguyên nhân sự xui xẻo hiện tại của y. Trong
tiền kiếp y cũng là một vị Tỳ kheo, do lòng ganh tỵ, y đã cản trở cư sĩ cúng
dường một vị Tỳ kheo khác trong khi vị này đã chứng quả A La Hán. Vì ác nghiệp
ấy cho nên dù có tu hành thanh tịnh, y cũng phải thọ quả báo thiếu thốn, xui
xẻo trong nhiều đời kiếp cho đến khi chứng quả.
THÍCH NỮ TRÍ HẢI
“Luật nhân quả không kiếp sau hay kiếp trước, giữa kiếp này vay lại trả rồi
vay. Vay oán nhiều nên nợ đời thêm nặng, biết nhắn gởi cùng ai mau tỉnh giấc mê
say”.